Bối cảnh
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cung cấp nguồn tài nguyên thiên nhiên cho hơn 17 triệu người dân sinh sống tại 13 tỉnh/thành trên tổng số 63 tỉnh/thành ở Việt Nam. Đời sống người dân vùng ĐBSCL chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi tình trạng hạn hán và lũ lụt thường xuyên, mặn hóa đất đai và xâm nhập mặn gia tăng, nguồn nước sạch khan hiếm, khai thác cát và gia tăng sử dụng đất không bền vững, xói lở bờ sông và bờ biển, sụt lún đất và gia tăng mối đe dọa từ khí hậu gây ra nước biển dâng và bão nhiệt đới.
Ngoài ra, những giải pháp điều tiết ở thượng lưu Mê Công như các công trình đập thủy điện, dẫn đến những thay đổi nghiêm trọng về dòng chảy, trầm tích, và bùn cát đáy vùng hạ lưu, làm trầm trọng tình trạng xâm nhập mặn, gia tăng mất đất và xói lở bờ sông, đe doạ đến năng suất và sự ổn định dài hạn của vùng ĐBSCL.
Tất cả những yếu tố thay đổi trên làm cho ĐBSCL không thể hoàn thành các nhiệm vụ sinh thái quan trọng và dẫn đến gia tăng những thách thức cho các nhà quy hoạch và chính quyền trong việc đảm bảo quản lý bền vững vùng. Trong bối cảnh này, một khía cạnh quan trọng để hỗ trợ cho tiến trình lập quy hoạch là sự sẵn sàng và nhất quán về nguồn kiến thức và dữ liệu cập nhật dựa trên các chủ đề chính có liên quan nhiều nhất và các công cụ vận hành để phân phối thông tin và truyền thông một cách hiệu quả.
Mục tiêu
Mục tiêu tổng thể của dự án Catch-Mekong là cung cấp những công nghệ và nghiên cứu sáng tạo phục vụ quản lý nguồn tài nguyên đất và nước xuyên biên giới và bền vững ở ĐBSCL. Cụ thể hơn, dự án tập trung vào các mục tiêu sau:
- Thiết lập cơ sở dữ liệu và thông tin hoàn chỉnh để hỗ trợ các nhà khoa học, nhà quy hoạch, và những người ra quyết định trong việc giải quyết những thách thức liên quan đến phát triển;
- Thu hẹp những khoảng cách kiến thức trong các chủ đề chính về sự sẵn có của nguồn nước, xâm nhập mặn, sử dụng đất, hình thái sông và xói lở bờ biển;
- Chuyển giao công nghệ và bí quyết thông qua việc phát triển các trạm quan trắc và các công nghệ cảm biến thủy văn sáng tạo;
- Hỗ trợ tiến trình lập quy hoạch và ra quyết định bằng cách tăng cường khả năng chia sẻ dữ liệu và truyền thông sử dụng công nghệ thông tin dựa trên nền tảng web mới.
Cách tiếp cận
Dự án Catch-Mekong tập trung vào hai chủ đề cấp bách nhất ở ĐBSCL, là sự xâm nhập mặn và sự ổn định dài hạn của hệ thống đồng bằng có xét đến sự phát triển của thượng nguồn.
Một liên minh phía Đức gồm bốn viện nghiên cứu và hai công ty cùng hợp tác với một liên minh của Việt Nam trong các lĩnh vực thủy văn, thủy lực, viễn thám, địa lý, phát triển cảm biến và công nghệ thông tin.
Công việc cốt lõi của dự án bao gồm các hoạt động nghiên cứu đa ngành về các lĩnh vực xâm nhậm mặn và ổn định hình thái của ĐBSCL.
Thủy động lực học và động thái phù sa lưu vực Mê Công
Những thay đổi thủy văn của toàn hệ thống sông Mê Công là kết quả của các hoạt động phát triển thượng nguồn liên quan đến khí hậu, động thái sử dụng đất, và các đập thủy điện được đánh giá là yếu tố tiên quyết để phân tích những tác động đến hạ lưu ở ĐBSCL. Do đó, các hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực viễn thám để đánh giá sử dụng đất và các thông số chất lượng nước tại lưu vực sông Mê Công sẽ được kết hợp với mô hình thủy văn trên diện rộng. Mục tiêu cơ bản của mô hình hóa ở tỷ lệ lưu vực là định lượng lưu lượng và tải lượng phù sa tại ĐBSCL theo tình trạng hiện tại và dưới những điều kiện biên khác nhau.
Xâm nhập nước mặn ở ĐBSCL
Để hiểu sâu hơn về những tác động của thượng lưu và các ảnh hưởng bên ngoài khác lên tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL, một mô hình thủy động lực học quy mô lớn cho toàn ĐBSCL sẽ được hiệu chỉnh để có thể thực hiện các mô phỏng toàn diện về động thái xâm nhập mặn. Ngoài sử dụng mô hình, các khảo sát về sự tương tác giữa nước mặt và các tầng nước ngầm vùng ven bờ biển cũng sẽ được nghiên cứu. Do đó, nhiều địa điểm đo đạc trong sông, các kênh rạch và các giếng nước ngầm sẽ được thực hiện. Trong quá trình này, suất dẫn điện, đồng vị ổn định, sẽ được quan trắc để xác định các cơ chế tạo ra nước ngầm.
Ngoài ra, kết quả từ các mô hình thủy động lực sẽ được kết hợp với thông tin về các mô hình sử dụng đất được trích xuất từ chuỗi thời gian dữ liệu vệ tinh dày đặc để đánh giá những tác động của xâm nhập mặn đối với nông nghiệp ở vùng đồng bằng.
Vận chuyển bùn đáy, hình thái bờ biển/bờ sông, và nước biển dâng ở ĐBSCL
Dữ liệu thu được từ các vệ tinh, các đợt đo đạc phạm vi rộng và từ các trạm đo đạc được chế tạo riêng sẽ được sử dụng trong các mô hình số để định lượng tổng lượng vận chuyển tải lượng đáy trong các đoạn sông nhất định và đánh giá những tác động của việc suy giảm liên tục tải lượng phù sa do các đập thủy điện và khai thác cát ở lòng sông. Thêm vào đó, các dữ liệu vệ tinh sẽ được sử dụng để tìm hiểu thêm về các quá trình xói lở và ổn định bờ biển ở vùng ĐBSCL.
Cổng kiến thức Mê Công
Dữ liệu và thông tin có được tạo ra những nền tảng quan trọng cho quá trình ra quyết định của các cơ quan quản lý hành chính từ cấp địa phương cho đến quốc gia. Do đó, các công cụ để quản lý hiệu quả, truy xuất, hiển thị, và phân phối thông tin và tìm kiếm của dự án cho tất cả đối tác, các thành viên chính, các bên liên quan, và những người ra quyết định trong vùng là cần thiết. Trong bối cảnh này, dự án phát triển và thiết lập một hệ thống thông tin dựa trên web, được gọi là “Cổng Kiến thức Mê Công”. Tất cả các kết quả của dự án được tích hợp vào hệ thống và sẵn sàng cho cả những người sử dụng quốc tế và địa phương.
Liên hệ
Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ:
Juliane Huth
Trung tâm Hàng không Vũ trụ CHLB Đức (DLR),
Trung tâm Quan sát Trái đất (EOC)
Trung tâm Dữ liệu Viễn thám CHLB Đức (DFD)
Oberpfaffenhofen,
82234 Wessling
Cộng hòa Liên bang Đức